Trong hoàn cảnh đó, Quốc hội khoá I tại kỳ họp 8 ngày 29/4/1958 đã thông qua Nghị quyết về thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Uỷ ban Khoa học Nhà nước thực sự hoạt động sau Nghị quyết Quốc hội, nhưng tới ngày 4 tháng 3 năm 1959, Chủ tịch nước mới ban hành sắc lệnh số 016-SL thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm ngang như Bộ.
Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Uỷ ban được quy định rõ tại Nghị định số 43-CP ngày 4/4/1962 của Hội đồng Chính phủ. Theo Nghị định này, Uỷ ban Khoa học Nhàn ước là cơ quan của Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác khoa học kỹ thuật theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật, mở rộng hợp tác khoa học kỹ thuật với nước ngoài, đưa nền khoa học kỹ thuật Việt Nam lên trình độ tiên tiến, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ công cuộc bảo vệ Tổ quốc, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà.
Ngót 52 năm tồn tại và hoạt động, Uỷ ban Khoa học Nhà nước nay là Bộ Khoa học và Công nghệ đã sản sinh ra khối tài liệu lớn, đó vừa là sản phẩm của quá trình hoạt động, vừa là phương tiện đắc lực giúp các nhà lãnh đạo quản lý công tác khoa học kỹ thuật trong phạm vi cả nước, quản lý cán bộ, vật tư, thiết bị, … đồng thời là nguồn sử liệu có ý nghĩa quốc gia rất giá trị giúp các nhà khoa học, nhà sử học, các cán bộ chuyên môn trong các công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, xây dựng các đề án, phương án mới về phát triển khoa học kỹ thuật, xây dựng truyền thống … và lịch sử khoa học kỹ thuật nước nhà.
Với ý nghĩa to lớn như vậy, từ năm 1994 đến nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho tiến hành chỉnh lý theo định kỳ năm tài liệu thuộc giai đoạn 1958 – 2009. Trong giai đoạn này Uỷ ban đã nhiều lần đổi tên: Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1958 – 1962), Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước (1965 - 1990), Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1990 - 1992), Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường (1993 - 2002), Bộ Khoa học và công nghệ (2002 - nay).
Với một khối tài liệu tương đối lớn, thành phần tài liệu khá phong phú đa dạng. Bao gồm tài liệu quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động khoa học và công nghệ; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ; tài liệu quản lý các chương trình đề tài, dự án trọng điểm cấp Nhà nước, đề tài nghiên cứu cơ bản, đề tài dự án cấp Bộ, ngành, địa phương; tài liệu quản lý giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; tài liệu nhân sự, hợp tác quốc tế; …
Hồ sơ tài liệu của Phông, sau khi chỉnh lý được hệ thống hoá trật tự trước sau theo phương án đã định. Căn cứ vào tình hình tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ chính của Uỷ ban, của Bộ mà hệ thống hoá tài liệu theo phương án MẶT HOẠT ĐỘNG – THỜI GIAN là giải pháp tối ưu được lựa chọn.
Trong từng mặt hoạt động hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự các năm
Trong từng năm, hồ sơ được sắp xếp theo thứ tự: từ chung đến riêng, từ khái quát đến cụ thể hoặc theo vần chữ cái ABC hoặc theo mã số kết hợp theo ABC và dãy số tự nhiên (đối với tài liệu chỉ tiêu kế hoạch, báo cáo thống kê, báo cáo công tác của các cơ quan Trung ương, địa phương : tài liệu của các cơ quan Trung ương xếp trước địa phương xếp sau, trong từng nhóm theo vần ABC)
Hồ sơ tài liệu của Phông Uỷ ban Khoa học Nhà nước được thống kê biên mục vào sổ mục lục và được đánh số cố định liên tiếp bắt đầu từ số 01.
Tài liệu hết giá trị loại huỷ được thống kê
Giai đoạn từ 1958 – 1992 tuy nhiều lần đổi tên, nhưng tên gọi Uỷ ban Khoa học Nhà nước được sử dụng nhiều hơn cả và chức năng nhiệm vụ của Uỷ ban trong suốt thời gian này vẫn giữ nguyên nên tên Phông của khối tài liệu này được thống nhất gọi là PHÔNG UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC với các khối tài liệu chính:
1. Tài liệu Tổng hợp
2. Tài liệu Tổ chức cán bộ
3. Tài liệu Hợp tác quốc tế
4. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật công nghiệp
5. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật nông nghiệp
6. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật Xây dựng – Giao thông – Thuỷ lợi
7. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật khoa học cơ bản
8. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật khoa học xã hội
9. Tài liệu Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng và Phát minh sáng chế
10. Tài liệu Quản lý khoa học kỹ thuật nông – sinh – y
11. Tài liệu Xây dựng cơ bản
12. Tài liệu Vật tư thiết bị khoa học
13. Tài liệu Thông tin – xuất bản – thư viện
14. Tài liệu Tài vụ
15. Tài liệu Đảng bộ Uỷ ban Khoa học Nhà nước
Đất nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế phát triển, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đi theo đó là việc nhập và chuyển giao công nghệ, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp thiết, có tính toàn cầu và quy mô quốc gia. Việc quản lý nhà nước về công nghệ và môi trường đã trở nên cấp bách đòi hỏi phải có cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để đảm nhiệm trọng trách này. Vì vậy, ngày 30/9/1992, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX đã ban hành Nghị quyết thành lập Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và ngày 22/5/1993, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/NĐ-CP quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Để tập trung hơn cho các nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong phạm vi cả nước, khẳng định vị thế và vai trò của Bộ trong điều phối và thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế và hội nhập của đất nước, tháng 8 năm 2002 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XI đã đổi tên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thành Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở điều chỉnh một số chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Ngày 19/5/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2003/NĐ-CP và ngày 16/01/2004 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học và Công nghệ. Do vậy từ năm 1993 đến nay, về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được bổ sung và sửa đổi lớn nhưng vẫn mang tính kế thừa của cơ quan tiền thân là Uỷ ban Khoa học Nhà nước nên tuy tên phông tài liệu có sự thay đổi là PHÔNG BỘ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG (1993-2002) và PHÔNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (2003-nay) nhưng số hồ sơ lưu trữ vẫn được đánh kế tiếp với số hồ sơ lưu trữ của PHÔNG UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC với các khối tài liệu chính như: .
1. Tài liệu Tổng hợp
2. Tài liệu Chương trình, đề tài, dự án
3. Tài liệu Giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh
4. Tài liệu quản lý các dự án thuỷ điện Hoà Bình, Sơn La, Thác Bà, …
5. Tài liệu về Tổ chức cán bộ
6. Tài liệu về Hợp tác quốc tế
7. Tài liệu Quản lý khoa học công nghệ công nghiệp
8. Tài liệu Quản lý khoa học công nghệ nông nghiệp
9. Tài liệu Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên
10. Tài liệu về công tác Pháp chế
11. Tài liệu về quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân
12. Tài liệu Qquản lý thẩm định các dự án đầu tư
13. Tài liệu đăng ký các hoạt động khoa học và công nghệ
14. Tài liệu Quản lý công tác Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng
15. Tài liệu Quản lý công tác sở hữu trí tuệ
16. Tài liệu Quản lý công tác môi trường và tài nguyên thiên nhiên
17. Tài liệu Quản lý công tác Thông tin khoa học và công nghệ
18. Tài liệu Quản lý công tác Nghiên cứu năng lượng nguyên tử
19. Tài liệu Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ
20. Tài liệu về công tác Xây dựng chiến lược và chính sách KHCN
21. …
PHÒNG LƯU TRỮ - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Địa chỉ: Số 39 Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng – Hà Nội.
Tel : 0912.823868
Email: anhoa@most.gov.vn Website : http://www.archivesofmost.com